KHÍ - VAYU
Hi mọi người, chào mừng mọi người đến với bài đầu tiên trong chuỗi Elemental Yoga, hôm nay mình muốn xưng Hà thay vì mình, sẽ có lúc là mình, sẽ có lúc là Hà và sẽ có lúc là tôi, tuỳ theo cảm giác mỗi bài viết mà Hà sẽ dùng để thể hiện mình.
Nhiều lúc Hà cũng thấy mình không nhất quán trong một số cái, nhưng biết sao giờ, bởi Hà là Pitta Vata về mặt tâm trí, nên sự thay đổi và đầu óc lắm lúc bay bay cũng từ bản chất tự nhiên có khí tạo nên, từ lúc hiểu được điều đó Hà thôi không còn thắc mắc về mình nữa, thuận theo như nước chảy nhẹ nhàng theo dòng và tìm kiếm sự chuyển mình ổn định nhất có thể.
Hà chọn khí đầu tiên vì trong 5 thành tố: KHÔNG GIAN, KHÍ, LỬA, NƯỚC và ĐẤT.
Có 3 yếu tố có thể di chuyển đó là KHÍ, LỬA, NƯỚC và theo thứ tự, KHÍ sinh ra LỬA do ma sát, LỬA sinh ra NƯỚC do phản ứng nóng gặp lạnh trong không gian hay lửa phản ứng với khí.
Mình sẽ cùng nhau khám phá tính chất của khí nhé.
Tính chất của khí:
Lạnh, nhẹ, khô, gió, vô hình, di chuyển
Khí không mùi, không vị nhưng lại liên quan hỗ trợ những thành tố khác như khí giúp lửa được đốt lên, khí giúp di chuyển nước. Trong Hatha Yoga khí được đề cập đến dưới 5 loại khí: Prana, Apana, Samana, Udana và Vyana. Mỗi loại khí sẽ có chức năng để hỗ trợ tiêu hoá, hỗ trợ đào thải, hỗ trợ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ, hỗ trợ vận động và hỗ trợ duy trì sự tồn tại. Cho nên khí không chỉ là khí, khí là sự chuyển động, phát triển, thay đổi. Khí là tự do, là hơi thở, hơi thở của cuộc sống, là sự cảm thông, chia sẻ thậm chí là sự thông thái, tinh thần.
Khí liên quan đến Phổi, ruột già, đại tràng
Khi nói đến cơ thể vật chất, khí sẽ có mối liên hệ mật thiết với Phổi, Ruột Già và Đại Tràng. Phổi có chức năng hô hấp, nhận khí, năng lượng sống để nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Cùng với Phổi là Ruột Già và Đại Tràng sẽ đảm nhận đưa những chất thải không cần thiết của cơ thể ra ngoài.
Khi khí cân bằng, cơ thể sẽ được khoẻ mạnh và không có chất dư thừa tồn đọng, toàn bộ cơ thể sẽ được cung cấp nguồn prana dồi dào.
Nhưng khi khí mất cân bằng, cơ thể sẽ gặp phải những vấn đề như sau:
Về phổi, những bệnh thường gặp như hen suyễn, cảm lạnh, ho, bị đờm, hơi thở khò khè, khàn giọng, hơi thở ngắn, dị ứng, da khô.
Về ruột già và đại tràng như tiêu chảy, táo bón…
Khí liên quan đến những bộ phận giác quan là mũi ( thính giác), da ( xúc giác)
Mình có thể thấy một cách rất logic ở điểm này, những bộ phận đảm nhận việc hô hấp như mũi hay còn gọi là cánh cửa của phổi, da, lỗ chân lông đều là phương tiện làm việc của Phổi.
Nếu mình có vấn đề về khứu giác hay về da, đều dẫn đến việc khí không ổn định trong cơ thể rất rõ ràng.
Khí liên quan đến cảm xúc buồn và thương tiếc
Khi nói về cảm xúc, Hà nghĩ cá nhân ai cũng sẽ có cảm xúc, vấn đề là mỗi người sẽ giải quyết cảm xúc đó như thế nào. Như mình có thể thấy về mặt khoa học khí được biết đến có liên quan đến phổi , ruột già và đại tràng, điểm đầu và điểm cuối của một chu trình, chu trình hô hấp hít vào thở ra, chu trình di chuyển thức ăn và thải ra chất dư thừa, chu trình của một đời người là hít hơi thở đầu tiên cất tiếng khóc chào đời và thở ra hơi cuối cùng để yên nghỉ, và cũng chính là chu trình bắt đầu cảm xúc và kết thúc cảm xúc.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hoàng hôn không xuất hiện? Hít vào mà không thở ra? Nạp vào mà không thải ra? Và cảm xúc bị kìm nén mà không được bỏ xuống?
Cảm xúc khi không được bỏ xuống hay tiếng anh còn gọi là Let it go, nó vẫn sẽ bị giam cầm và gây ra sự buồn bã, tiếc thương.
Một người khi khí mất cân bằng sẽ dễ dẫn đến trầm cảm, lãnh cảm, khả năng diễn đạt kém…
Khí liên quan đến mùa Thu
Vâng, chúng ta đang nói đến mùa thu, mùa của yếu tố khí, mùa của sự thả lỏng, và mùa của tự nhiên chuyển mình chuẩn bị cho sự hồi sinh.
Mình có thể dễ thấy rằng mùa thu, những đợt lá bắt đầu rụng xuống cội, góp phần bón cho cây tốt tươi, tích trữ năng lượng sống để tiếp tục tái sinh một đợt lá tiếp theo và trở thành một phần của sự kế thừa nối tiếp trong thế hệ sắp tới.
Nói đến đây, trong Hà tự nhiên tràn ngập một cảm giác biết ơn và kinh ngạc trước sự kì diệu của tự nhiên vạn vật. Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn nhường chỗ cho mặt trăng mà không bao giờ có sự thắc mắc, hoa nở rồi hoa lại tàn đó là điều đương nhiên như việc mùa thu cây sẽ rụng lá về cội. Mọi sự kết thúc không có nghĩa là mất mát, là đau thương, mà là một chu trình của tự nhiên, là sự rút lui một cách đẹp đẽ vô cùng để trở thành một phần sự sống mới. Và nghĩ về những mùa thu đẹp đẽ của mình đã từng có, đầy cảm xúc xen lẫn với sự cố gắng nỗ lực trong việc đặt những thứ không còn cần thiết với mình xuống, để gột rửa tâm hồn, để đối xử với chính mình một cách đúng đắn nhất.
Những tính chất của khí cơ bản Hà đã cố gắng gói gọn như trên. Nếu ai tìm hiểu về các yếu tố trong tự nhiên sẽ thấy những kiến thức Trung hoa sẽ đề cập đến những yếu tố như Mộc, Hoả, Thổ, Kim, Thuỷ. Đừng có bối rối nhé, nếu chiếu sang thì Mộc sẽ chứa đựng tính chất đất và khí, Kim loại chứa đựng tính chất khí và nước.
Khi mình hiểu tính chất của Khí đương nhiên mình sẽ có cách để hỗ trợ cân bằng khí.
Qua việc luyện tập, hít thở và đặc biệt tập trung vào hơi thở ra, để thả lỏng đi cơ thể , tâm trí. Luyện tập chú trọng vào việc cân bằng khí thông qua việc đưa không gian bằng những động tác kéo dãn, những động tác mở ngực và đảo ngược.
Tăng cường luyện tập các giác quan đặc biệt là giác quan về mùi, và cảm nhận về chạm. Đó là lí do mỗi lần có vấn đề về sự mất cân bằng, nhận massage hoặc trị liệu bằng mùi hương là những cách trị liệu rất hiệu quả bên cạnh việc tập luyện. Khi mình nhận massage sẽ đánh thức và làm mạnh chức năng của da, bộ phận liên quan đến phổi và hệ thống miễn dịch.
Giữ cho ruột già và đại tràng hoạt động ổn định bằng cách thỉnh thoảng thực hiện những phương pháp thanh tẩy dưới sự hướng dẫn và quan sát của người có kinh nghiệm.
Trong mùa Thu, hãy giữ cơ thể mình được ấm áp, đưa năng lượng hướng vào trong để tìm sự nghỉ ngơi dễ chịu, dùng năng lượng khí để kiểm tra xem những thứ gì thật sự quý giá và giữ lại với sự biết ơn trân trọng, những thứ không cần thiết sẽ phải học cách buông bỏ dần.
Về thực ăn cũng sẽ là một yếu tố rất quan trọng trong vai trò người điều chỉnh lượng khí trong cơ thể. Ưu tiên ăn những đồ ăn được chế biến kĩ, nấu chậm dưới lửa nhỏ. Tăng cường những gia vị mang tính ấm như tiêu, gừng. Rau củ quả tập trung vào những nguồn nguyên liệu củ như cà rốt, củ dền, khoai lang và những loại rau mọc gần đất như bắp cải, bí đỏ. Bổ sung thêm tinh bột chất béo để làm ấm cơ thể. Một chút vị chua cũng sẽ giúp nuôi dưỡng năng lượng và hỗ trợ tiêu hoá như mơ ngâm, giấm táo, đồ lên men. Và vị mặn cũng không thể thiếu để giữ nước cũng như giữ ấm để hỗ trợ phổi.
Khi khí có thể cân bằng, người đó sẽ đầy sáng tạo, nhiệt huyết, khỏe mạnh, vững chắc, có tư duy rõ ràng không cứng nhắc và là một người có khả năng tạo cảm hứng cho người khác.
Hà mong là dựa trên những tính chất trên mình có thể cảm nhận được khi nào khí mình thiếu, khi nào bị dư và biết cách để đưa thành tố này về cân bằng tương đối nhất có thể. Vì Hà có thành tố khí nhiều thứ hai trong cơ thể nên có thể hiểu được sự khó khăn ra sao khi mất cân bằng và cảm giác tuyệt vời như thế nào khi tìm về được điểm ổn định. Chỉ có việc quan sát mình, tập luyện, tỉnh thức và tập trung vào hơi thở ra…
Hà sẽ tặng mọi người một công thức trà mà thời gian giãn cách ở nhà này Hà thường chuẩn bị cho mình .
TRÀ CHÀO MẶT TRỜI
Nguyên liệu:
Gừng ½ tsp
Cumin ½ tsp
Fennel ½ tsp
Cardamom ½ tsp
Mật ong 1 ½ tsp
Nước 500ml
Cách làm:
Ngâm qua đêm Gừng, Cumin, Fennel, Cardamom với 500 ml nước. Sáng sớm đun sôi, tắt bếp, chờ nguội 1 xíu sau đó bỏ mật ong.
Khi uống: Chọn chỗ ngồi thoáng nhất và có cây cối cạnh là tốt nhất, 2 tay cầm ly trà , cảm nhận hơi nóng truyền vào 2 bàn tay, nhắm mắt lại và hít vài hơi thật dài, sâu và thở ra thật chậm, từ từ mở rộng lồng ngực, mở rộng trái tim, mỉm cười và bắt đầu uống trà.
Còn sau đây là bài hướng dẫn tập về thành tố khí, mời mọi người trải thảm ra và cùng di chuyển với Hà nhé. Nếu còn thắc mắc và muốn nói về trải nghiệm của mình về mọi thứ, đừng ngần ngại, hãy chia sẻ với Hà ở phần bình luận. Hà sẽ lắng nghe và trân trọng.
Namaste!