TÌM LẠI SỰ THÔNG THÁI BÊN TRONG

Your wounds are your wisdom
— @cicisayurveda

Mình rất thích câu quote phía trên, vì mình là con người của việc học qua trải nghiệm tốt hơn là học trực tiếp từ sách vở hay một người thầy nào.

Khi mình nói vậy không có nghĩa là mình không chú trọng vào việc đọc sách và học hỏi hay có những vị thầy. Nếu thực sự không có những kiến thức từ sách và từ những người thầy mình yêu quý thì sẽ không bao giờ mình có kiến thức để trải nghiệm. Đó là điều chắc chắn.

Cái mình muốn nói ở đây là, kiến thức chỉ được biến thành của mình và khơi gợi sự thông thái bên trong của mình, bằng sự trải nghiệm. Trải nghiệm có những sự thành công và sự không thành công. Sự không thành công hay đau khổ đã mang lại cho mình cách nhìn sâu sắc, và giúp bản thân chuyển hoá những điều khó và chấp bên trong mình.

Nói đến sự thông thái một chút, nếu mọi người nghĩ chỉ có người này mới có còn mình thì không? Không, điều đó hoàn toàn không đúng, mình tin là mọi người đều có sự thông thái của riêng mình ẩn chứa từ khi mới lọt lòng. Chỉ là theo thời gian trưởng thành, sự thông thái này không được kích hoạt và sử dụng đúng cách nên nó dần mờ đi. Sự thông thái như 1 tấm gương, gương sáng mình đương nhiên sẽ nhìn bản thân của mình một cách rõ nét, nhưng tấm gương đó bị mờ đi vì bụi bặm từ thế giới bên ngoài cứ từng ngày từng ngày phủ lên, mình cũng không có thời gian để quay về bên trong để lau bụi cho nó. Nên dần dà mình càng xa rời với nó.

Với mình, khi học một bài học nào đó mình có thể hiểu, nhưng để việc hiểu chuyển hoá thành hành động một cách không cố gắng và mang tính thuần khiết thì nó thực sự cần cả một quá trình. Có nhiều lúc cần những cái vấp ngã đau thương vô cùng sâu sắc thì mình mới thực sự thay đổi. Con người là vậy và mình cũng không ngoại lệ.

Ví như mình lúc trước, học Ayurveda, nắm rõ kiến thức tạng người mình là gì, phải ăn như thế này mới đúng, như thế kia là sai. Mình hiểu hết, đọc vanh vách những gì như trong sách. Nhưng rồi sao, mình vẫn không thay đổi cách sinh hoạt , tập luyện và ăn uống là bao. Đến một ngày da mình bị bệnh dày sừng nang lông mỗi ngày một lan rộng hơn, cân nặng nó tăng cảm thấy nặng nề hơn mà không hiểu vì sao bởi mình ăn ít, ngày ăn 2 bữa gần giống với kiểu ăn kiêng 16/8, tập và hoạt động công suất cao, bao tử thỉnh thoảng lại hành mình... Rồi mình tham gia một khoá Panchakarma Retreat bên Ấn khoảng 1 tháng, mình bắt buộc phải thực hành những điều mình học một cách nghiêm túc. Sau 1 tháng cơ thể mình có sự thay đổi, tuy nó rất nhỏ nhưng mình cảm nhận được. Và trong vòng 1 năm sau ngày retreat mình mới từ từ thay đổi được những thói quen không tốt như ngủ trễ, dậy muộn, ăn uống tuỳ tiện không đúng giờ, ăn không được bỏ bữa, tập luyện chú ý vào lợi ích của từng động tác; mở rộng tư duy bằng cách học cách chấp nhận nhiều hơn, nhìn sâu vào cơn giận của mình mỗi khi nó bùng lên, khi dễ, khi khó. Từ từ mình thấy mọi thứ xung quanh mình nhẹ nhàng hơn, cơ thể mình nhẹ nhàng hơn, mọi thứ nó sáng hơn và quan trọng hơn hết mình hiểu hơn về cơ thể mình, khi nào cần gì.

Hay ví dụ trong cuộc sống, mình biết là cần phải nói những lời ái ngữ như Thích Nhật Hạnh hay nhiều vị thầy khác có dạy, rồi tôn trọng sự đa dạng, sở thích của người khác. Bản thân mình luôn muốn mình làm như vậy. Nhưng cái tôi to đùng, sự độc đoán của ngọn lửa Pitta trong mình thổi lên không ít lần làm tổn thương đến những người yêu thương. Chính mình đã dùng cái sự thẳng thắn không khéo léo của mình từ bé để ngụy biện cho những hành động đó, cho đến khi mình phải đối diện với sự mất mát về mặt tinh thần mình mới nhận ra sâu sắc rằng nếu không thực sự thay đổi mình sẽ mất đi những điều quý giá… Và vết thương đó là động lực để mình chuyển hoá, chuyển hoá từ trong tư duy. Mahatma Gandhi đã nói:

Sự tin tưởng biến thành suy nghĩ 
Suy nghĩ biến thành lời nói
Lời nói biến thành hành động
Hành động biến thành thói quen
Thói quen biến thành giá trị
Giá trị biến thành điểm đến
— Mahatma Gandhi

Ngoài sự bất như ý, thì sự tĩnh lặng là cái mà mình thực sự thấy rất cần thiết. Mình bắt đầu tạo sự yên lặng trong mọi hành động, tạo sự yên lặng trong cơn giận, tạo sự yên lặng ngắm nghía khi cái tôi hay sự ích kỉ trỗi dậy và tạo sự yên lặng vào đầu ngày cũng như cuối ngày. Việc này giúp mình tua lại những đoạn phim ngắn mà mình vừa trải qua để quan sát bản thân rõ hơn. Sự yên lặng giúp mình kết nối với cơ thể để hiểu nó muốn nói gì với mình và sự yên lặng giúp mình được trống rỗng để được thư giãn hoàn toàn.

Và mình mong các bạn tìm thấy sự thông thái của chính mình, để cảm nhận được sự bình yên từ bên trong bản thân mình.

Namaste!

Previous
Previous

SATSANG

Next
Next

SAVASANA