ĐẾN VỚI LUYỆN TẬP ĐỂ “TỪ BỎ LUYỆN TẬP”

IMG_0552 2-01.png

Mấy năm trước, trong một cuộc trò chuyện, tôi đã hỏi Prathap thế này;

“Prathap, thầy có duy trì tập luyện hàng ngày không? Và thầy có làm được những tư thế như handstand hay những tư thế khó đó không?”

Thầy trả lời:

“Không, cách đây mấy năm, ham mê làm tư thế của tôi bắt đầu không còn sôi sục như trước nữa, khi nào có cảm giác cần tập tôi sẽ tập, không nhất thiết ngày nào cũng tập. Nhưng Pranayama và Kriyas là cái mà gần như tôi duy trì hàng ngày”


Năm trước, khi tôi qua Ấn tham gia khóa trị liệu Panchakarma của bác sĩ Sundara tại Mountain Top Clinic. Sundara là một người tầm tuổi tôi, nhưng ở Sundara có sự uyên bác và kinh nghiệm vô cùng sâu sắc về cuộc sống cũng như kiến thức về Ayurveda, trung tâm trị liệu tuy nhỏ nhưng nổi tiếng, nằm trên đỉnh đồi xung quanh là những đồi trà bao quanh, được nhiều người biết đến và luôn kín lịch trước gần một năm. Hàng ngày chúng tôi sẽ theo thời khoá biểu cho bác sĩ đưa ra từ 6AM đến chiều tối, và buổi tập yoga từ 6AM - 7AM không bao giờ thay đổi. Tôi hỏi Sundara.

“Sao bữa giờ không thấy Anh hay vợ anh tập Yoga? Hay mọi người tập ở chỗ khác?”

Sundara trả lời:

“Lúc trước tôi đã từng tập Yoga rất lâu, Ashtanga và các thể loại khác. Nhưng vài năm lại đây tôi dừng lại và chỉ thỉnh thoảng mới tham gia một vài buổi tập, tôi duy trì pranayama, đi bộ nhiều nhất khi có thể, và duy trì những hoạt động tay chân hằng ngày khác.”

Quay lại quá trình tập luyện của tôi từ lúc bắt đầu đến bây giờ:

Thời mấy năm đầu biết đến Yoga, tôi duy trì một cách liên tục 6 ngày/tuần theo sự hướng dẫn đến từ nhiều giáo viên, nếu tôi bỏ một hôm, tôi cảm thấy thật có lỗi với bản thân mình. Thời gian này chủ yếu tập trung vào việc làm quen, thay đổi cơ thể để đạt được sự hoàn hảo của tư thế, hít thở chỉ duy trì ở mức độ hít thở bằng bụng đơn giản và thêm hít thở luân phiên (4 thì của Nguyễn Khắc Viện). Thời đó, những người bạn tập cùng làm được quá trời tư thế khó. Riêng tôi, những tư thế làm cơ thể tôi chịu sự đau đớn không làm tôi hứng thú, và thấy mình không có sự thôi thúc cần phải chú tâm vào nó, ví dụ như những tư thế backbend (ngã ra sau), mở khớp giãn cơ quá sâu. Tôi ở lúc đó chỉ chú tâm vào sự di chuyển theo bài của thầy cô mình một cách tập trung và học điều chỉnh hơi thở sao cho không bị đứt quãng, từ đó tôi thấy mình cảm thấy sau mỗi buổi tập thật sảng khoái, dễ chịu, vậy thôi, cũng không tìm hiểu nhiều.

Sau này khi trở thành giáo viên, qua những khóa học về cơ thể, dưới sự giảng dạy kiến thức từ phương tây, từ cái nôi của nền khoa học Yoga là Ấn Độ hay những tư tưởng của người Châu Á nghĩ gì về Yoga và các bộ môn mang tính chữa lành khác. Tôi được biết rằng Asana chỉ là bước thứ 3 trong 8 bước của yoga. Tôi được biết sâu hơn về cấu tạo của cơ thể và lí do vì sao tôi khó khăn hơn những người khác ở một số tư thế, cùng với việc học triết lí của yoga và khoa học đời sống Ayurveda hay y học cổ truyền Tây Tạng tôi hiểu được rằng ngoài Yoga ra còn rất nhiều phương pháp để đạt được một cơ thể khỏe mạnh.

Trong một buổi Satsang mấy năm về trước, Prathap đã đề cập về việc người tập chọn hướng vào con đường Yoga để loại bỏ đi sự ham muốn về vật chất, sự phụ thuộc tâm trí vào vật chất hay danh vọng, mong có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần tự do nhẹ nhàng không vướng mắc, nhưng vì không cẩn thận với những lý do vô cùng hợp lý của tâm trí đưa ra, họ bị dẫn đi lúc nào không hay,  họ lại đi vào con đường ham muốn sở hữu những tư thế phức tạp, khẳng định giá trị của mình dựa trên sự biểu diễn bề ngoài về mặt hình thể và mãi kẹt ở bậc thang thứ 3 thay vì bước lên thứ 4,5,6..

Tôi trước đó luôn có câu hỏi cho việc luyện tập của mình và xung quanh, tôi cảm thấy nếu yoga chỉ là những tư thế thì giới hạn là ở đâu? Và nếu như mình không có cái ham muốn biểu diễn hay thực hiện quá nhiều tư thế thì liệu mình có phải là một người luyện tập đúng đắn hay không? Giáo viên tốt hay không?

Nhưng sự chia sẻ của thầy đã giúp tôi cảm thấy an lòng, tuy nhiên ở thời điểm đó để hiểu sâu về những thắc mắc thì chưa. Từ đó tôi tiếp cận những cuốn sách cổ xưa của những vị Yogi truyền lại, suy ngẫm nhiều hơn, quan sát và dành thời gian cho bản thân theo dõi sự thay đổi của tâm trí và cơ thể qua nhiều thử nghiệm. Điều đó giúp tôi, ngay bây giờ đang ngồi đây chia sẻ với mọi người rằng, tôi đang dần buông nhẹ đi việc tập luyện. Điều này không có nghĩa là tôi không tập, tôi vẫn gần như duy trì tập 3-5 lần/ tuần với tâm trạng thoải mái, không theo khuôn khổ, chỉ theo dõi việc cơ thể cần chuyển động như thế nào hôm nay và không còn để việc luyện tập sở hữu và kiểm soát tôi nữa, hay nói một cách chính xác là tôi không còn lệ thuộc tâm trạng mình hay giá trị mình vào việc luyện tập. Hôm cần làm việc nhiều tôi khởi động ngày mới bằng chuỗi bài mang tính dương như Yoga, Zumba, hay bơi lội. Ngày nghĩ đến việc tập luyện thôi đã làm tôi thấy mệt mỏi rồi thì tôi chọn việc ngồi hít thở và làm vài phương pháp pranayama, Hoặc có ngày dậy chỉ muốn ngồi đọc sách và uống trà, nghĩ vẩn vơ hay chạy ra cà phê sớm với bạn bè… Tôi không còn thấy cảm giác tội lỗi khi không theo những quy tắc luyện tập thì sẽ không là một giáo viên tốt. Hay quá bị nóng ruột khi nhìn xung quanh mọi người chia sẻ tập này tập kia mà mình không làm nữa, tâm trạng mà trước kia tôi, thi thoảng vẫn hay bị xao động về bản thân về việc mình không làm hay không được như người khác. 

Thời gian, học nhiều thứ, quan sát mình giúp tôi có một bức tranh lớn hơn về mình, về cuộc sống, thiên nhiên và học cách chấp nhận. 

Trong quá trình đi dạy của mình, tôi nhận được nhiều câu hỏi từ học viên như tập sao cho đúng? Ngoài kia bao nhiêu người chia sẻ vậy cái nào là đúng là sai? Bao lâu em mới tập được như cô? Hay em mới đi dạy, không biết có dạy được không?

Đến bây giờ tôi không bao giờ hối hận những câu trả lời của mình dù cho những thời điểm đó tôi khác bây giờ. Vì rằng tôi chấp nhận và hiểu rằng sự sự non nớt khi bắt đầu cần phải có; việc mở rộng trái tim để học hỏi là điều cần thiết, như học từ bạn bè, từ những vị thầy, học từ sai lầm; trải nghiệm và hàng ngày vẫn phải luôn canh chừng tâm trí tinh ranh của mình để học cách ngừng phán xét về trình độ người khác vì ở đâu đó, mình cũng đã ở trong tình thế đó và thậm chí còn tệ hơn.

Tôi nghĩ, khi bạn đi đúng và thời gian đủ, bạn sẽ thấy được việc tập hay không tập nó không còn là mối bận tâm quá lớn, tập đúng hay sai nó không còn là câu hỏi bởi bạn đủ sâu để hiểu đúng với người khác chưa chắc đúng với mình, đúng với mình chưa chắc đúng với người khác. Và ngoài kia, không phải tiêu chuẩn nào là tiêu chuẩn tuyệt đối với mình. Bạn sẽ tìm lại được sự tự do chính mình trong luyện tập và ngoài kia khi rời tấm thảm.

Và tôi dần hiểu những câu trả lời với những người tôi đã từng hỏi với câu trả lời của họ.

Namaste

Previous
Previous

SỮA NGHỆ (GOLDEN MILK)

Next
Next

SÀI GÒN MÙA COVID