CHIKITSA YOGA

Thư bảo viết bài về Chikitsa để giới thiệu lớp đang dạy vào lúc 5:30 AM-6:30 AM trước tết, mình nhận lời và nghĩ bụng chắc sẽ viết nhanh thôi, nhưng thực sự không nhanh như lúc nhận lời.

Đầu tiên mình muốn giải thích vì sao lại là Chikitsa.

Chikitsa thực ra không phải là một thể loại Yoga như Iyengar hay Inside Yoga, mà là một từ tiếng Phạn để chỉ những kiến thức mang tính y học liên quan đến sức khoẻ.

Chikitsa Yoga là một cách để nói về cách tập luyện mang tính chữa lành, vận dụng nhiều cách tiếp cận với mục đích cuối cùng là cơ thể về trạng thái cân bằng và tự chữa lành.

Biết đến tên Chikitsa Yoga từ người thầy Ayurveda của mình, Prathap. Trong khoá 200h Ayurveda Yoga năm 2018, thầy có nhắc đến 1 khoá học Chikitsa mà thầy muốn tổ chức sau 200H, và mình bị thu hút bởi những lời giới thiệu ngắn gọn đó. Từ 2018 đến giờ Chikitsa Yoga luôn hiện hữu và ám ảnh mình rằng, bằng cách nào để có thể giúp cơ thể chữa lành và học viên giảm dần một cách hiệu quả.

Là một người luyện tập Yoga 15 năm và đi dạy gần 13 năm, thành thật mà nói cơ thể vẫn bị những chỗ trên cơ thể tuy không đến mức chấn thương nhưng đau và khó chịu mãn tính, hay những học viên tìm đến nhờ cậy vào yoga để hoá giải mà thực sự mình không biết chính xác có thể giúp được không, chỉ rập khuôn máy móc dùng những gì đã học để hướng dẫn mà chỉ. Mình cũng như mọi người trong giới luôn ngầm đồng ý với nhau rằng Yoga không phải là người bác sĩ có thể chữa bệnh.

Nhưng, từ khi biết đến Ayurveda, từ từ mình nhận thấy rằng không bao giờ có thể đạt được sự cân bằng nếu không hiểu cơ thể, hiểu bản chất đang thiếu cái gì thừa cái gì để cân bằng chế độ ăn uống tập luyện và sinh hoạt. 

Hai năm trở lại đây, Covid ập đến, mọi dự định và kế hoạch đi học chỗ này chỗ kia, đưa thầy về đều bị dừng lại. Nhưng từ hoàn cảnh đó, mình có những cái duyên được gặp nhiều người thầy thông qua những khoá học online, trải nghiệm trên cơ thể, giúp mình nhận ra bên cạnh Ayurveda thì Yoga hoàn toàn là một trợ lý đắc lực có thể hỗ trợ trong quá trình chữa lành, những vấn đề đau nhức trên cơ thể gần như biến mất, tiến sâu để đưa mọi thứ theo dòng chảy tự nhiên cần có. Lần đầu tiên mình tin vào khả năng trị liệu của Yoga một cách rõ ràng, không mơ hồ nữa.

Không những với bản thân, mình bắt đầu đưa những thứ được học trải nghiệm trên học viên, vấn đề dần sáng rõ hơn, mọi người cảm nhận được chữa lành như chính bản thân mình đã trải qua.

Tuy nhiên, không dễ để tiếp cận, nó cần người tập thay đổi rất nhiều tư duy về luyện tập, chưa kể là lúc tập phải quan sát sự kết nối từ phần này đến phần kia mà phải chú ý kĩ lắm may ra mới thầy, có khi cần mất vài buổi mới thấy được. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác, rất khác, mình chỉ có thể nói vậy, với những ai tò mò về nó. Nhưng khi đã cảm nhận được kết nối rồi, thì những tư thế yoga trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết, sẽ hiểu được là tại sao trong Iyengar lại có thể giữ mỗi tư thế từ 5-15 phút mà đi vào thiền định hay kết hợp với Pranayama được, và thấy được sự kết nối kì diệu của cơ thể.

Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn là tư duy mình luôn nghĩ, không có cái sai thì sẽ không bao giờ có thể trân trọng cái đúng như bây giờ.

Chikitsa Yoga như Prathap nói, mình vẫn chưa được học đầy đủ, nhưng mình mạnh dạn trải nghiệm cách dạy mới và đặt tên là Chikitsa, bởi mình thích và thấy có chung mục đích. 

Mình muốn đi trên con đường này, và đây là bước đầu để tiếp tục cuộc hành trình học hỏi về trị liệu. Hy vọng với người thầy mà mình rất biết ơn ở hiện tại, cùng những nhân duyên trong tương lai có thể dần giúp mình kết nối và vẽ ra một bản đồ của cơ thể rõ nhất.

Chủ nhật tuần vừa rồi ngày 16/4 lúc 2pm - 4pm tại At Ha’s, At Ha’s đã giới thiệu với mọi người về lớp Open-Chikitsa, một hình thức workshop nhỏ để chia sẻ những câu hỏi mà bản thân mình luôn thắc mắc trước kia và nghĩ đâu đó cũng có người thắc mắc tương tự, đó là:

  • Yoga như thế nào? Tại sao lại học Yoga? Yoga nhiều bộ môn quá, vậy học bộ môn nào? 

  • Chikitsa là gì? Trong khoá Chikitsa mình sẽ học những gì? Cách học kiểu ra sao?

Sau buổi đó, tự nhiên mình thấy hân hoan vì qua sự đón nhận của mọi người, mình thấy họ hiểu. Ngày hôm sau, trong cuộc nói chuyện với một người em cũng là đồng nghiệp, khi được hỏi đến định hướng của At Ha’s là gì vì bạn ấy thấy At Ha’s nhiều bộ môn quá. Mình trả lời rằng: “Thực ra At Ha’s muốn cho người tập hiểu được có rất nhiều cách để tìm đến sự cân bằng. Nhưng để hiểu cái nào phù hợp thì mọi người cần xây dựng nền tảng vững chắc, để đầu tiên là bảo vệ mình, thứ hai là không có tâm phân biệt để chê môn này đúng và môn này sai, nó giống như xây một căn nhà, kiểu gì hay bao nhiêu tầng, thì vẫn cần là cái nền móng cho chắc, thì dù kiểu gì cũng sẽ ổn định.”

Đó là mục tiêu của mình với Yoga và với những người học viên của mình.

Mình và Thư mong muốn được xây dựng được cái móng cho những người quan tâm đến Yoga tại At Ha’s.

Mong là chân cứng đá mềm và nhận được nhiều sự hướng dẫn từ những người thầy khác.

P/s: Ah, lần đầu tiên trong đời mình thấy Handstand không còn vô vọng và kinh khủng như lúc trước mình có đợt ham hố tập luyện nữa, nó trở thành như điều hiển nhiên xảy ra khi mình kết nối được và di chuyển cơ thể đúng.

Kiểu như đủ nắng hoa sẽ nở vậy đó.


Namaste!

Previous
Previous

NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM

Next
Next

PI - ngày rời đi