APAS - NƯỚC
Yếu tố nào liên quan đến việc tinh thần mình dễ tổn thương nhất, dẫn đến việc trở thành triệu chứng về bệnh lý ?
Yếu tố nào liên quan đến sự yên lặng và ý chí trong mỗi một cá thể chúng ta?
Yếu tố nào chứa đựng tinh hoa của mọi thứ với tinh thần hăng say bền bỉ?
Yếu tố nào chứa đựng sự hiểu biết sâu sắc, có một tình thương bao la, có sự bao dung và vị tha vô bờ bến?
…
Đó chính là yếu tố Nước đấy, rất bình yên nhưng vô cùng mạnh mẽ. Mình cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về Nước nhé.
Tính chất của nước:
Đặc tính: lạnh, nặng, màu mỡ, ẩm, ổn định, nuôi dưỡng, yêu thương
Hướng: đi xuống
Khi nước được cân bằng: bình yên, ổn định, kiên nhẫn, yêu thương, trung thành, vị tha, bao dung, nuôi dưỡng và hỗ trợ
Khi nước mất cân bằng: tắc nghẽn, nặng nề, tiêu hoá kém, phù nề, ngủ quá nhiều, kiểm soát, tham lam, lãnh đạm, lạnh lùng
Nước và mùa Xuân:
Ayurveda đề cập nước với mùa xuân, còn Y Học Cổ Truyền Trung Hoa lại đề cập nước với mùa đông. Theo Hà thấy, nước có mối liên hệ với thời điểm cuối đông chuẩn bị vào xuân. Mùa đông sẽ có những khoảng thời gian thời tiết rất khô, da mình nứt nẻ và yếu tố nước không hề xuất hiện mà lúc đó yếu tố khí lại chiếm ưu thế (lạnh và khô). Nhưng cũng có lúc mùa đông mưa dầm dề đầy ẩm ướt và mang tính nước hoàn toàn. Còn mùa xuân thì mọi người đều dễ dàng thấy nước tràn ngập khắp nơi. Băng tan ra, những cơn mưa phùn tưới tắm khắp nơi bắt đầu việc nuôi dưỡng vạn vật, cây cối vì thế cũng bắt đầu nảy mầm và đơm hoa. Trong không khí tràn ngập Prana, mọi sinh vật vì thế cũng cảm thấy tràn đầy sức sống. Những con sông, con suối, hồ nước bắt đầu dâng lên và chảy róc rách. Mùa của sự hồi sinh và nuôi dưỡng, mùa của yêu thương và vị tha, mùa của sự khởi đầu của những sự sống.
“Mùa xuân, một nhành lá xanh tươi lộc xuân
Một nhành lá non, một tình yêu chưa biết đến
Mùa xuân để ta hát lên trao tặng nhau
Làm tình yêu mãi xanh rờn
Sống trong ta mãi muôn đời
Kìa mùa xuân về, giao thừa đã qua…”
Nước nuôi dưỡng từ cơ thể đến cảm xúc và tâm trí mình tuyệt vời đến vậy. Nhưng mình cũng nên cẩn thận trong việc giữ nước ở mức vừa phải nhé, tránh không nên đưa quá nhiều, nhiều quá cũng sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng về nước như là việc thiếu nước.
Về ăn uống, ăn những thực phẩm mang tính dương (nóng), mang tính nước, hơi đậm đà trong khẩu vị, tính dầu để giữ ẩm cơ thể. Khẩu phần vẫn luôn phải giữ mở mức độ vừa phải. Ví dụ một ly sữa nghệ (Golden milk)
Về luyện tập, chú trọng vào việc thực hành Pranayama làm ấm cơ thể, tăng cường nhiệt độ, giúp làm mạnh hệ tiêu hoá và thu nguồn Prana dồi dào bên ngoài thiên nhiên như Kapalabhati, Bhastrika hay Agni Prasana. Asana chú tâm vào việc mở phần trên cơ thể nhiều hơn, kéo giãn không gian trong cơ thể, mở khớp, vào những tư thế gập về trước hay đảo ngược nhằm di chuyển nước từ phía dưới trở lại phần trên cơ thể. Sự di chuyển chậm rãi và ở lâu trong tư thế giúp làm nóng cơ thể nhưng không thay đổi nhịp tim quá nhiều, tránh đổ mồ hôi làm cơ thể dễ bị lạnh sau khi luyện tập.
Nước liên quan đến Thận và Bàng Quang
Chức năng của Thận gắn liền với việc lọc máu và chất thải. Những gì ở thể nước sẽ đi qua Thận, Thận chỉ giữ lại protein và các tế bào máu, các chất thải sẽ được tiết ra, vào dịch lọc để hình thành nước tiểu. Tại đây Bàng Quang sẽ là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu ra ngoài theo đường niệu đạo.
Nước trong cơ thể tồn tại dưới dạng chất lỏng như máu, huyết tương, chất nhờn.
Nước liên quan đến vị giác (lưỡi), thính giác (tai), chạm (da) và cảm xúc sợ hãi
Để hiểu về những giác quan liên quan đến nước mình cùng nhau xét lại nguồn gốc sinh ra nước như sau. Nước là yếu tố được hình thành nên từ không gian, khí và lửa. Khí giúp di chuyển nước, Lửa giúp định hướng sự di chuyển đi đến nơi cơ thể cần. Nên nước chứa đựng một số tính chất của khí và lửa cộng thêm tính chất của riêng nó. Đó là lý do yếu tố nước có mối quan hệ chặt chẽ với thính giác, vị giác và xúc giác.
Vị giác sẽ xuất hiện khi nước bọt được tiết ra, một thể của yếu tố nước. Không đủ nước bọt, chúng ta sẽ không còn cảm nhận vị tốt.
Thính giác, chỉ cần hình dung khi mình nghe một tiếng động mạnh, sự hoảng sợ xuất hiện, thận cũng sẽ bị hoảng sợ theo kéo theo những triệu chứng như không kìm nén được nước tiểu ở bàng quang bị ra ngoài, hay còn gọi là són tiểu. Nước, thính giác, thận, bàng quang có mối liên hệ chặt chẽ như vậy.
Xúc giác, nếu ai tìm hiểu về khí đều biết khí có liên quan đến da hay cảm giác trên da. Do nước chứa đựng tính chất khí trong nó nên những người thể nước đều có cảm giác về xúc chạm khá tốt và có thể dùng những liệu pháp Massage để trị liệu.
Và cuối cùng là nỗi sợ, một đặc tính cảm xúc khi nước mất cân bằng.
Nước là thành tố chính của người có tính chất Kapha, những người có thiên hướng là những nhà hiền triết, vĩ nhân hay những người liên quan đến lĩnh vực tâm linh. Những người có một khả năng bình tĩnh, sâu sắc, thông minh vượt trội vì họ có nước để lưu giữ thông tin. Ngoài ra khi nước cân bằng sẽ mở rộng khả năng yêu thương và bao dung, yếu tố quan trọng để trở thành những vị lãnh đạo tinh thần.
Nước còn là yếu tố nuôi dưỡng nên mỗi chúng ta hãy nhớ duy trì đủ lượng nước bên trong mình. Đặc biệt khi tuổi càng lớn, nước sẽ dần mất đi do lực hút trái đất nên mình lại càng phải giữ nước hơn bao giờ hết bằng cách ăn uống và tập luyện.
Nước có thể là dòng sông hiền hoà nuôi dưỡng và vun đắp phù sa cho đất đai, cây cỏ và làm giàu cho cuộc sống của mọi loài sinh vật. Nhưng khi nước giận dữ, nước có thể cuốn trôi cả một thành phố và nhấn chìm cả một hành tinh, hãy thử tưởng tượng việc thiếu nước hoặc dư nước thì chúng mình có thể tồn tại được không???
Hà mong là khi hiểu về những yếu tố, mình có thể trân trọng những gì mình đang có và hiểu được rằng mình thực sự rất nhỏ bé trước vạn vật, trước muôn loài và thiên nhiên. Muốn sống hạnh phúc và khoẻ mạnh thật sự, mình phải đưa bản thể nhỏ bé này hoà cùng với dòng chảy của tự nhiên, mọi sự sẽ êm đềm.
Namaste!