HAANDTHA Blog - Yoga & Travel

View Original

TÔI MUỐN TÌM LẠI CẢM GIÁC CŨ?

(Nằm trong chuỗi bài giải đáp những câu hỏi thường ngày trong lớp)

Sáng nay, trong lớp sáng Chikitsa của mình, Thuý hỏi” tại sao có hôm thì cảm nhận được cảm giác dễ chịu trong tư thế này, mà có hôm thì không nhỉ? Nhiều lúc thật nản!”

Mình thấy câu hỏi này rất thú vị, đó là câu mà hầu hết người tập sẽ trải qua cảm giác ít nhất là một lần, trong đó có mình, và đó là câu hỏi mà phải có sự trải nghiệm mới ngấm được câu trả lời, còn không cũng chỉ hiểu một cách mô phạm.

Mình đã trả lời câu hỏi đó rằng:

“Đồng ý là mình nên ghi nhận lại cảm giác của từng buổi học, sự trải nghiệm của cơ thể trên từng tư thế, đó là cách mà giúp cơ thể học, và đó là cách mà giúp cơ thể thu thập thông tin để dần thay đổi thói quen cũ thành một thói quen mới.

Tuy nhiên, mình cũng tránh việc tìm lại cảm giác cũ của ngày hôm qua hay cảm giác một ngày nào trước đó.

Vì cảm giác tìm kiếm có thể xuất hiện trở lại hay không, đó là điều mình không thể tuyệt đối kiểm soát được, nếu mình cứ mải kiếm tìm một cái đã xảy ra đồng nghĩa mình đang đóng lại những cánh cửa khác có khả năng mang lại cho mình nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn, và đưa bản thân vào sự vướng mắc.

Vì cảm giác của từng thời điểm đi vào tư thế phụ thuộc nhiều yếu tố: yếu tố về sức khỏe thể chất ngày hôm đó, yếu tố tinh thần ngày hôm đó, yếu tố thời tiết và yếu tố không gian…

Nên nếu chấp nhận một cảm giác mới trên cùng một tư thế, mình có nhiều trải nghiệm hơn, và đó hơn hết là cơ hội để khám phá cơ thể, để hiểu hơn về bản thân”


Quả thực, để bước vào tấm thảm, đi đến cùng một bài tập, và cảm giác đưa lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Bạn cảm thấy như thế nào khi rơi vào trong những trường hợp như sau:

  • Tối qua ăn một bữa ăn sớm nhẹ nhàng hoặc là ăn một bữa ăn muộn với những đồ ăn khó tiêu.

  • Tối qua ngủ 10h hoặc là sau 12h

  • Sáng nay thời tiết quá lạnh hoặc là thời tiết hơi nóng

  • Trước khi bắt đầu đã lướt 1 tiếng facebook hoặc dành một khoảng lặng nhỏ khoảng 15 phút trước khi bắt đầu

Đó là những yếu tố sẽ dẫn cho bạn đến nhiều cảm giác khác nhau. Và nếu bạn thực sự quan sát sự khác nhau đó, trân trọng nó, bạn sẽ biết nguyên nhân của hành động dẫn đến kết quả, và kết quả như thế nào thì bạn là người có thể chọn để có thể đưa ra một hành động đúng đắn với sự mong chờ của mình.

Nên với bản thân, mình đã học được cách trân trọng từng cảm giác mang lại. Để chọn một cảm giác đi vào tư thế nhẹ nhàng và dễ chịu, mình đã phải duy trì thói quen ăn uống, nghỉ ngơi và nuôi dưỡng tâm trí phù hợp. Khi tập không hiệu quả, mình hiểu ra nguyên nhân từ đâu, do đã không nghỉ ngơi đủ hay là chọn vị trí tập phù hợp chẳng hạn. Khi mình hiểu qua trải nghiệm, chính là lúc mình trưởng thành.

Các Vị Yogi đã nói, Yoga là đời, và đời là Yoga, những gì xảy ra trên tấm thảm, sẽ xảy ra ngoài đời thường, xung quanh mình, với những việc rất nhỏ.

  • Ví dụ như tháng trước bạn ăn một món ăn, làm cho bạn cảm giác tụt lưỡi và hân hoan, nhưng cùng món đó 2 tháng sau bạn ăn lại, nó không còn cảm giác đó nữa. Có nhiều nguyên nhân, ngoài khả năng quán ăn đó thay đổi khẩu vị, thì bên cạnh đó có thể cơ thể mình có khi lúc đó đã bão hoà với những thành phần trong món ăn, hay thời điểm ăn lúc đó không được vui. Đúng không nhỉ!

  • Bạn có một mối quan hệ, lúc đầu bạn vui vì nhiều điều, lâng lâng vì những thứ bình thường và li ti, nhưng rồi một thời gian sau, niềm vui đó giảm đi thay vào đó là những cảm xúc khác, có thể giận, có thể trách móc, hay cảm xúc đó chuyển sang một trạng thái cung bậc khác… nhưng nói chung lại, những cảm giác đầu tiên tìm kiếm lại không còn. Vậy đây là lúc mình thấy thất vọng, nản và từ bỏ hay không? hay là mình nên ngồi lại để hiểu một tiến trình, những chuỗi hành động người ta gọi là nguyên nhân đã đưa lại một cảm giác mới như bây giờ, và khi bạn hiểu ra chính là lúc bạn sẽ biết, biết trân trọng và biết chọn hành động để đạt kết quả như mong muốn. 

Nói tóm lại, ai đến với bộ môn tập Yoga cũng muốn được có một sức khỏe tốt và tinh thần như làn nước êm đềm, để có một đời sống nhẹ nhàng và bớt buồn giận vu vơ. Để làm điều đó người tập theo mình nghĩ cần phải thực sự chú tâm quan sát, hiểu, chấp nhận, trân trọng và thay đổi, để đạt được điều mình mong muốn. Và điều quan trọng cuối cùng là kiên nhẫn với bản thân. Đó là những chặng đường ai cũng phải trải qua, không đi tắt được.

Việc mình viết ra những trải nghiệm trên con đường đi, cũng chính là cách mình chọn để học và trưởng thành qua đó. Có những trải nghiệm ngu ngơ, có những trải nghiệm chưa thấu đáo, nhưng không sao hết, vấn đề là mình chịu nhìn và chấp nhận, trân trọng và sau đó mọi thứ sẽ tốt lên thôi.

Nên mình cảm ơn câu hỏi của bạn sáng nay nhé. Và mong Thuý hãy trân trọng những trải nghiệm dù không tốt hay tốt, vì nó sẽ làm nên một hành trình rực rỡ của Thuý.

Namaste!