HAANDTHA Blog - Yoga & Travel

View Original

NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM

Tối qua, mồng 4 tết, tôi đã có một buổi nói chuyện đầu năm với Lola và Hoa, những cô giáo dạy ở At Ha’s. Buổi nói chuyện từ 4h hơn chiều đến hơn 10h tối kết thúc trong sự nuối tiếc.

Sáng tỉnh dậy, quyết tâm viết một cái gì đó cho năm mới, phủi bụi cái trang Haandtha của mình, và cũng tự giúp mình bắt đầu một tinh thần mới cho năm 2023.

***

Dám làm dám chịu

Một trong những điều khá ngạc nhiên đến khi tụi tôi nói chuyện về những tổn thương hay thuật ngữ bây giờ khá phổ biến là Trauma. Lola nói về những tổn thương mà Lola nhận từ mẹ, đến bây giờ Lola vẫn đang trên hành trình chữa lành những điều đó. Hoa cũng chia sẻ. Tôi cũng chia sẻ, nhưng mình nhận ra ngay trong lúc chia sẻ rằng mình không có những tổn thương nặng nề, mặc dù ngày xưa thấy bố là như chó khiếp pháo, và hầu như ngày nào cũng bị đánh. 

Chuyện vì sao bị đánh chỉ là chuyện ham chơi, ham chơi đến quên đường về nhà, ham chơi đến mức mở mắt ra là muốn chuồn ra khỏi nhà để lê la làng trên xóm dưới, ham chơi đến mức về đến nhà được là do người nhà đi tìm, hoặc là đến giờ nhà hàng xóm lúc thì cho ăn cơm sau đó khuyên bảo về, lúc thì bảo cháu về nhà ăn cơm đi, lúc đó mới chịu về. Và bố tôi có một quy định, rằng phải ở nhà với bà nội, hoặc phải ở nhà khi bố đi làm về, còn nếu không sẽ bị phạt. Tôi hiểu điều bố mong muốn, hiểu điều hợp lí trong mong muốn của bố, nhưng cứ sáng dậy tôi vẫn nghĩ cách chuồn đi và trưa trật mới về hay có khi đi đến tối mịt mới về và bị ăn đòn. 

Quy trình ăn đòn như sau: 

Khi về đến nhà, tôi luôn tìm cách đi vào wc hoặc vào phòng mà không để bố biết, từ những vị trí đó đi ra với kiểu nãy giờ đã ở trong đó lâu rồi, không biết bố kiếm, và mình vô tội. 10 lần chỉ trót lọt 2 lần, còn 8 lần là thất bại, vì thực ra cả nhà tôi lạ gì cái kiểu đối phó đó.

Bố hỏi đi đâu về - tôi trả lời lịch trình ngày hôm đó,

bố nói đi lấy roi và nằm sấp trên giường đợi bố - tôi đi lấy roi và trong lòng kiếm cách lót mông và nghĩ đến phương án sẽ thương lượng,

khi nằm ngay ngắn, trong lòng bắt đầu đầy phập phồng, mặc dù bị hàng ngày những lần nào cũng như lần đầu,

bố hỏi biết vì sao bố đánh không - tôi trả lời có và nêu ra lý do rất trung thực bởi nếu không trung thực tội sẽ nặng hơn,

bố hỏi tội này đáng bao nhiêu roi - tôi đưa ra con số lúc nãy đã tính toán, không nhiều nhưng cũng không ít, xứng đáng với tội trạng của mình,

bố lại hỏi, muốn nợ bao nhiêu - tôi trả lời số roi nợ thường thì nhẹ là 5 roi nợ 3 roi hoặc 2, nặng thì 10 roi và nợ 5 roi,

bố đánh - tôi lúc thút thít khóc, lúc la lối xíu,

đánh xong bố lại như bình thường - tôi ấm ức xíu rồi ngày mai tiếp tục sự nghiệp lang thang của mình.

Đó là những bữa đòn roi hàng ngày tôi nhận, không oán hận, lớn lên kể về nó như là một câu chuyện vui, một kỉ niệm đẹp, và với lòng biết ơn vì được dạy dỗ.

Nhưng có 1 lần, 1 lần duy nhất bố tôi làm tôi bị sang chấn thực sự, đến bây giờ những hình ảnh đó vẫn còn trong bộ nhớ của tôi và làm tôi không ưa mấy người uống rượu bia say xỉn và về nhà la lối. Bố tôi là người uống rượu khá khoẻ, và cả tuổi trẻ của bố uống vào không lè nhè, không nói nhiều. Nhưng có 1 đêm, bố đi về trễ, gọi cửa mãi tôi mới nghe và mở cửa, vừa mở thì bố lấy cái chổi gần đó đánh tôi mấy cái túi bụi không nói năng gì và khá bạo lực, và ngay thời điểm đó tôi hiểu là bố đang không tỉnh táo, sự nóng giận đến từ men, nhưng tôi vẫn rất choáng váng và ghê sợ kiểu đánh như vậy, và đến bây giờ trong kí ức tôi, duy chỉ có 1 sang chấn đó làm tôi ám ảnh hoài.

Khi tôi nói những lần đánh như vậy, tôi nhận thấy những trận đòn được theo một quy chuẩn của bố con tôi thực sự không làm tôi bị tổn thương và sang chấn, mà chính những trận đòn đó tôi học được bài học là có khả năng chịu trách nhiệm với những điều mình làm,vì tôi hiểu được ngay lúc đó, tôi được chọn lựa, nếu tôi muốn đi chơi, tôi sẽ phải chấp nhận những hình phạt do phá vỡ luật lệ của bố đưa ra, nhưng tôi là người chịu chơi, nên tôi chấp nhận bị đòn để được đi chơi, vì tôi hiểu việc đi chơi thực ra không phải là một cái gì đó xấu xa ảnh hưởng đến người khác hay làm hại người khác. Ở thời điểm đó tôi đã phân biệt được như vậy. Còn chuyện bố tôi đánh tôi bất ngờ làm tôi uất ức bởi đó không phải là lỗi của tôi, mà tôi phải gánh chịu, và việc đó làm trong lúc bố tôi không kiểm soát được mình, đó mới chính điều gây cho tôi tổn thương. Hay tôi được nghe những tổn thương của những đứa bạn về việc mẹ mình buông lời chì chiết mình ra sao khi nóng giận không kiểm soát được.

Tôi nhận thấy xa hơn, rằng khi dạy một đứa trẻ bên cạnh mình, dạy một bạn nhân viên hay cả một tập thể, cách tốt nhất là hãy chỉ ra được hậu quả của từng hành động, mọi người tự do chọn lựa hành động của mình, và cần phải học cách đối diện hay khả năng chịu trách nhiệm của kết quả, không có trốn tránh hay có tư duy mình là nạn nhân. Và tất cả sự dạy dỗ phải được thực hiện trong tỉnh thức - không làm kiểu bản năng lúc tức giận hay bốc đồng, và kiên nhẫn lặp đi lặp lại.

***

Thà tiêu cực lành mạnh còn hơn tích cực độc hại

Hôm rồi, tôi xem Trấn Thành - Bích Phương dẫn chương trình sóng 23 phần nói thật, Bích Phương có nói rằng bạn ấy không muốn duy trì năng lượng tích cực một cách độc hại, phải luôn tỏ vẻ là người luôn vui vẻ và lạc quan. Tôi thích cụm từ này và thêm cụm từ “ tiêu cực lành mạnh” nữa.
Rồi trong cuốn người bà tài giỏi vùng Saga, cuộc đối thoại giữa bà Asano với cháu ngoại Akihiro về trường hợp bạn Itawa bị bắt nạt trên trường rằng:

“Kẻ biết trước mắt là chuyện xấu nhưng nhắm mắt làm ngơ, là xấu xa nhất, khác gì kẻ đi bắt nạt đâu”.

Hoặc câu chuyện từ trong tập thể những bạn nhân viên của tôi, có một số bạn quản lý tu tập theo đạo Phật, và các bạn có kiểu hiểu và hành động rằng, thấy một người trong tập thể nghĩ sai, làm sai, các bạn cũng im lặng, vì sợ người khác buồn, vì sợ tạo ra năng lượng tiêu cực trong mối quan hệ, vì sợ này sợ kia… cho đến lúc người sai cứ ngày càng sai, tập thể dần không hài lòng về nhau nhưng cũng không dám nói, rồi đến lúc những người làm sai lại quay trở lại biến mình thành nạn nhân trong những hình phạt do hệ thống đưa ra với những ai làm sai quy định… rồi tập thể tan rã.. những bạn quản lý đó mất nhân viên.

Hay người bên cạnh tôi đây, bạn là người cực kì hiền lành, dễ thương, đến mức ai cũng muốn ở cạnh, nhưng bạn có 1 nhược điểm là không thực sự nói ra những điều mình không thích, có nhiều lúc bạn không hài lòng về ai một điều gì đó, thay vì bạn đi nói cho đối phương biết bạn nghĩ gì và muốn gì để xây dựng mối quan hệ tốt hơn, thì bạn lại im lặng và giữ những sự không hài lòng đó trong người, đó tôi gọi là năng lượng tiêu cực độc hại, không giúp gì cho mối quan hệ và cho bản thân cả hai phía.

Những ví dụ trên để muốn nói rằng, đôi khi với chính bản thân và người xung quanh, những sự thực hay là những mâu thuẫn mình vẫn luôn lờ đi, làm ngơ và nghĩ nên tích cực, tích cực yêu thương, tích cực tha thứ, tích cực giữ nụ cười trên môi, nói những lời ái ngữ…nhưng ngày qua đi, tháng qua đi, năm mới lại tới, tôi thấy không nên, vì nỗi sợ bị phát hiện tiêu cực vẫn còn đó, tình yêu và lòng cảm thông sâu sắc đúng đắn vẫn không lớn lên được bao nhiêu và câu hỏi thực sự mình có tự do và hạnh phúc với những sự tích cực mình đang cố duy trì thoắt ẩn thoát hiện khi có cơ hội, mà khi nhìn sâu vào tôi hiểu được rằng một người nếu còn có câu hỏi đó thì vẫn còn vướng mắc.

Và tôi thấy không bao giờ là sai rằng, hãy luôn nói sự thực, thể hiện cảm xúc và suy nghĩ một cách thật nhất, cho chính bản thân và cho những người xung quanh. Đối diện với nỗi sợ và vượt qua nó. Cái mà mình phải học ở đây chính là cách diễn đạt sự thực một cách rõ ràng, ôn tồn và kiên nhẫn. Còn sự thực vẫn phải luôn được đưa ra, cho mình và cho người được có cơ hội phát triển và hoàn thiện.

Mình vốn là người trong gia đình luôn nói ra sự thực một cách không ngại ngần, có khi làm cho người nghe đỡ không kịp, hay khó chấp nhận. Nhưng mình luôn biết ơn vì đó là hạt giống tốt được thừa hưởng một cách vô thức từ bố mẹ, đồng thời mình cũng thừa hưởng những hạt giống vụng về trong cách thể hiện sự thật, nhưng may mắn với việc luyện tập Yoga cũng như kiên nhẫn với bản thân mình, với sự hỗ trợ không mệt mỏi của người bên cạnh mình bao năm nay, tôi đã thay đổi và trưởng thành hơn trong việc diễn đạt sự thật.

Năm mới, tôi nghĩ mình vẫn sẽ là người như vậy, làm những việc mình muốn, nhưng sẽ kiên nhẫn hơn, chỉn chu hơn, và bớt làm ngơ với những mâu thuẫn bên trong mình, đối diện nhiều hơn với nỗi sợ bên trong để nếu trở thành một con sư tử, con báo ghê gớm thì cũng sẽ là một con sư tử và con báo hạnh phúc sống một cuộc đời tự do và không bao giờ đóng vai nạn nhân. Và mong những người mình yêu thương hãy cứ thoải mái sống, đừng cố gắng phải tích cực một cách độc hại quá nhiều, có thể là tiêu cực lành mạnh  nhưng bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều nếu dám chấp nhận mình, chấp nhận người và không lảng tránh khó khăn đau khổ. Bởi như thầy Minh Niệm có nói rằng, ít ai không bước qua khó khăn khổ đau mà đến được bến bờ hạnh phúc và An Yên được.

Chúc mọi người một năm mới với một tinh thần tươi mới và đến gần hơn với sự thật.


P/s: Cảm ơn Lola và Hoa đã đến và chia sẻ thật những suy nghĩ, sợ hãi và những tổn thưởng bên trong mình, để chúng mình được thấu hiểu, được đồng cảm và biết rằng mình không đơn độc trên con đường tự chữa lành chính mình.