HAANDTHA Blog - Yoga & Travel

View Original

NADI SHODHANA PRANAYAMA (1)

Hít thở luân phiên - Phần 1

Câu chuyện này hôm nay hơi dài, nên mong mọi người nếu lỡ mở ra bài này thì chịu khó đọc xíu nhé. Vì nó quá ấn tượng và giúp mình rất nhiều rất nhiều trên con đường Yoga sau này.

Đó là câu chuyện của luyện thở.

Mình còn nhớ rất rõ lần về thứ hai đăng kí tập Yoga ở 298 Hai Bà Trưng, lần thứ nhất lúc còn học đại học nhưng sau 2 ngày đã rút lui trong sự sợ hãi.

Trung tâm 298 Hai Bà Trưng do cô Thảo là người sáng lập. Vì là người mới nên mình chỉ học lớp cô Tâm, còn cô Thảo lúc này dạy lớp nâng cao. Đăng kí 6 buổi 1 tuần luôn, rất máu, học kiểu rất cơ bản, không có chuỗi gì hết, tập mỗi một động tác 3 lần, nằm xuống nghỉ 1 phút, sau đó tiếp tục tư thế khác. Bài có thể thay đổi nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vào đầu lớp là cô cho tập hít thở 4 thì, nghe chính xác là vậy. Lúc đầu rất khó khăn trong việc nín giữ hơi hít vào và nín giữ hơi thả ra. Lúc nín thở nó làm cho cơ thể mình phải gồng lên để giữ hơi, lúc giữ lại khi thở hết ra càng mệt hơn, do đó không tập được lâu và bị mệt sau khi thở.

Mình nghĩ : “quái, cứ cho tập động tác là được rồi chứ bắt thở chi cho mệt..😓💨👀” nhưng biết làm sao được, phải tập theo thôi. Lúc đầu tập theo nên cũng không chú ý gì, thời gian sau đó mình bắt đầu quan sát cơ thể mình làm cách nào để giữ lâu mà không mệt. Dần dà, việc quan sát lúc hít vào như thế nào cho cơ thể không gồng, lúc giữ hơi hít vào bộ phận nào làm cho mình mệt nhất, lúc thở ra thở thế nào để thở hết oxy trong người. Rồi thì nín lại khi thở hết hơi ra làm sao cho nhẹ nhàng tình cảm mà không phải hoảng loạn để hít vào. Khi phát hiện được vấn đề thì đương nhiên phải có giải pháp. Vậy giải pháp ở đây là gì? Đơn giản lắm, chỉ cần trò chuyện với cơ thể, khi có thể nói chuyện với cơ thể được thì việc điều khiển nó không còn là vấn đề.

Thế là mình cứ đến lúc tập hít thở luân phiên là bắt đầu như sau:
Khi hít vào “vai ơi thả lỏng nhé.” Giữ lại “mày còn thả lỏng không vai, cơ mặt đâu, các em thả lỏng giùm chị nha, cười nào cười nào, hệ thần kinh ở não đang làm gì, đừng gồng nữa, thả lỏng đi, nếu thả lỏng thì sẽ đỡ mệt hiểu chưa…” Còn khi thở ra “thở từ từ thôi, đâu còn có đó, chạy nhanh thì vấp thôi, thằng vai thả lỏng từ từ nào.” Giữ lại khi thở hết hơi ra “vai, mặt, các ngón tay, não, cột sống lưng, chị sẽ kiểm tra các em lần lượt, đừng có ăn gian với chị nhé. Thả lỏng, giữ lâu thì sẽ được tươi mát nhé.”

Kiểu vậy, hôm nào cũng nói chuyện với tất cả mấy đứa trong bài tập đầy chông gai khó khăn này và dần dần mình thấy được sự tiến bộ kinh khủng. Tiến bộ là việc bắt đầu thích thú trong việc giữ lâu vì được kết nối nhiều, trong việc thấy sức mình trở nên bền hơn khi di chuyển trong tư thế không còn mệt, trong việc kiểm soát tâm trí và cảm xúc mình dễ dàng hơn. Lúc đó chỉ biết vậy thôi chứ không biết nguyên nhân vì sao, và cứ thế tập hơn 1 năm ròng rã tại câu lạc bộ Hai Bà Trưng đó với bài kinh điển là “ Hít thở 4 thì của giáo sư Nguyễn Khắc Viện”

À, chia sẻ thêm một chút về thông tin về giáo sư Nguyễn Khắc Viện với hơi thở 4 thì này nhé. 

Giáo sư Nguyễn Khắc Viện bị lao phổi nặng năm 29 tuổi, từ đó trong vòng 6 năm , ông trải qua 7 lần phẫu thuật , cắt bỏ 8 xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và 1/3 lá phổi bên trái. Bác sĩ bảo ông chỉ còn sống thêm 2 năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm cho mình được phương pháp thở gọi là “hơi thở 4 thì” , ông luyện tập hơi thở đó xuyên suốt cho đến 85 tuổi ông mới ra đi.

Sau này dù có đi tập ở đâu hay tập với giáo viên nào thì mình cũng luôn biết ơn về nơi đó, và các giáo viên đã cho mình một kiến thức nền rất vững thông qua việc tập đi tập lại những cái cơ bản nhất trong yoga; để sau này mình có thể kiểm soát cơ thể, tinh thần và cái tôi rất nhiều trên con đường luyện tập.

Khi bắt đầu học hỏi và tìm tòi, đọc thêm tài liệu mình mới biết rằng hít thở 4 thì được giáo sư Nguyễn Khắc Viện lấy cảm hứng từ một phương pháp Pranayama (luyện hơi thở) của Yoga, phương pháp đó là NADI SHODHANA, và việc giữ hơi thở được gọi là KUMBHAKA.

Mình chắc rằng việc hít thở NADI SHODHANA và KUMBHAKA ai cũng đã được thực hành nếu bước vào luyện tập yoga. Hôm nay mình chỉ muốn chia sẻ thêm vì sao hơi thở quốc dân này được được luyện tập một cách phổ biến như vậy.

Trong tiếng phạn, NADI có nghĩa là kênh, ống dẫn. SHODHANA có nghĩa là sự thanh lọc, làm sạch. KUMBHAKA có nghĩa là giữ hơi thở. Đây là một cách thực hành giúp thanh lọc Prana trước khi đi vào cơ thể, đồng thời giúp thông mũi. 

Thông qua thực hành hít thở luân phiên, giác quan và ý thức mình được phát triển sâu hơn, những chỗ tắc nghẽn trong đường di chuyển của khí 2 bên mũi được phá bỏ; đồng thời giải toả được stress, giúp những người có vấn đề hô hấp như suyễn, tràn khí vào phổi và viêm phế quản. Hiệu quả của hơi thở này tác động nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào tỉ lệ hít thở và nín giữ.

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HƠI THỞ LUÂN PHIÊN:

  • Về mặt cơ thể vật chất: hít thở bên mũi trái sẽ tác động lên bán cầu não phải (phụ trách sáng tạo, cảm xúc) và hệ thần kinh phó giao cảm; hít thở mũi bên phải sẽ tác động lên bán cầu não trái (ngôn ngữ, tính toán, lý trí) và hệ thần kinh giao cảm.

  • Về mặt cơ thể năng lượng: hít thở mũi bên trái sẽ tác động lên năng lượng âm trong cơ thể (Ida: năng lượng phụ trách việc làm dịu tinh thần và đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi); hít thở mũi bên phải sẽ tác động lên năng lượng dương trong cơ thể (Pingala: năng lượng phụ trách làm tăng hưng phấn cho tinh thần và đưa lại cảm giác tràn đầy năng lượng cho cơ thể).

Hiểu được cơ chế hoạt động của Pranayama này, mình sẽ chủ động trong việc đưa cơ thể trở về cân bằng như mình mong muốn. 

VD: Khi buổi sáng thức dậy, chúng ta thường cảm thấy sự trì trệ. Đó chính là dấu hiệu của năng lượng âm trong cơ thể đang nhiều hơn năng lượng dương. Nếu cần một cơ thể tràn đầy sức sống để làm việc, mình sẽ phải hít vào mũi phải để đưa thêm năng lượng dương vào nhiều, thở ra bên trái để đưa năng lượng âm ra ngoài. Cứ theo chu trình đó khoảng 10-15 phút, bản thân sẽ thấy sự khác biệt.

Hay khi thỉnh thoảng mình ngủ dậy, mình sẽ thấy một bên mũi bị nghẹt. Đó cũng là dấu hiệu của việc không cân bằng năng lượng bên trong. Việc của mình là hít vào mũi kia, thở ra phía bên mũi nghẹt. Cũng với 10-15 phút, hai mũi sẽ được cân bằng.

Đối với mình NADI SHODHANA chưa bao giờ làm mình thấy nhàm chán vì sự cơ bản hay có vẻ không phức tạp. Mỗi một lần luyện thở là mỗi một lần mình trải nghiệm bản thân và tâm trí một cách khác nhau, ở một vùng cảm giác và những giới hạn rất khác. Nó như một chiếc xe cứ đưa mình đến hết vùng này đến vùng khác trong khắp cơ thể, để chiêm ngưỡng, khám phá và khơi dậy vẻ đẹp, giới hạn và khả năng của từng vùng đó. Đó là một cuộc du hành vô cùng thú vị và cũng đầy thử thách với mình cho đến bây giờ…

Mình hy vọng những người đi trên con đường Yoga như chúng mình, là người có thể hiểu rõ mình nhất, hiểu rõ giá trị cũng như là cách tốt nhất để có một cuộc sống bình yên và khoẻ mạnh thông qua luyện cách hít thở NADI SHODHANA và KUMBHAKA.

Namaste!

P/s: Mình sẽ trở lại với phần 2 của NADI SHODHANA vào một ngày gần đây