HAANDTHA Blog - Yoga & Travel

View Original

MÙA NỒM

Sáng nay tỉnh dậy, thấy trong người hơi đau đầu. Di chuyển ra phòng bếp thì cảm nhận ngay lớp gạch dưới mình ẩm ướt, trong sự ngạc nhiên mình nhận ra đây chính là hiện tượng nồm, một hiện tượng dân xứ miền ngoài của mình hay gọi mỗi lần đến mùa nhà và đất đổ mồ hôi.

Sống ở Sài Gòn bao lâu mà chưa bao giờ mình thấy hiện tượng này xảy ra. Ở ngoài miền mình, một năm phải mấy bận. Mình không ưa cái kiểu thời tiết như thế này chút nào. Nhà khi nào cũng ướt kiểu bết bát, không khí xung quanh đặc quánh, không một miếng gió khiến da khi nào cũng nhớt gây cảm giác bứt rứt, dễ bực mình, dễ đau đầu khi mà ngoài trời thì nắng mà trong nhà cứ ẩm ướt, quần áo giặt xong phơi cả tuần cũng không khô nổi. Nói chung là cái mùa chỉ mang lại sự phiền hà khó chịu. May là nó cũng chỉ kéo dài vài ngày.

Không chỉ mỗi Việt Nam, có lần mình ở Aonang Krabi, 5 ngày trên đảo thực sự chán ngán vì Nồm, từ việc da không bao giờ có cảm giác khô thoáng, mọi thứ xung quanh luôn ẩm ướt từ cái ra giường cho đến bộ quần áo mặc, muỗi và côn trùng thì to và luôn lượn lờ xung quanh, không có một miếng gió phe phẩy mặc dù thò tay ra là biển, đã thế sự ẩm ướt còn trộn lẫn chút mặn từ biển nữa chứ.

Và sau này khi học về Ayurveda và y học cổ truyền Tây Tạng, mình được biết mùa Nồm hay tiếng anh có tên là Monsoon được tính là 1 mùa bên cạnh 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông và được lưu ý nhắc đến rất nhiều như để nhắc nhở tầm quan trọng của mùa Nồm này ảnh hưởng ra sao tới sức khoẻ của con người.

Mình sẽ chia sẻ những thông tin của mùa Nồm này sơ qua một chút, mong rằng mọi người có thể hiểu hơn về nó.


Mùa nồm rơi vào khoảng thời gian nào?

Mùa nồm thường xuất hiện giữa sự chuyển giao mùa đông và mùa hè, giữa mùa hè và mùa thu.  Mùa nồm xuất hiện ở khu vực Châu Á và Đông Nam Á. Hiện tượng nồm ẩm thường diễn ra tại miền đông Bắc bộ trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, có đợt kéo dài chỉ vài ngày nhưng cũng có đợt kéo dài cả tuần. Điều này phụ thuộc vào lượng gió Đông Bắc kéo xuống miền Bắc nước ta. Đặc biệt trong tháng 3 sẽ có tới 4 - 5 đợt hiện tượng nồm xảy ra dài hay ngắn khác nhau.


Mùa nồm ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sống và con người?

Mùa nồm ẩm được gọi một cái tên nữa là mùa Xanh, ý nghĩa là vùng nào xuất hiện màu nồm ẩm sẽ báo hiệu một năm có lượng mưa hàng năm ổn định ở mức trung bình. Mùa thường sẽ chỉ khoảng gần 1 tháng hoặc có khi trên 1 tháng.

Về mặt tự nhiên, mùa Nồm có vẻ giúp cây cối xanh tươi hơn nhưng với con người lại gây ra nhiều điểm bất lợi. Đặc điểm bất lợi của mùa này chính là nguồn nước bị ứ đọng lại không di chuyển được. Đó là môi trường thuận lợi cho những vi rút và vi khuẩn phát triển, gây ra nhiều loại bệnh. Nước bị đọng lại giúp Muỗi có cơ hội phát triển và sinh sôi, nên mùa này Muỗi rất bự , nhiều và hung dữ. Khi mùa Nồm có thêm cơn mưa tới sẽ gây ra nhiều bệnh cho con người như cảm lạnh, cúm, viêm dạ dày đi cùng với những bệnh dịch như dịch tả, thương hàn, viêm gan A, tiêu chảy hay những bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét.

Theo Ayurveda, mùa Nồm sẽ làm tăng yếu tố Kapha, lượng nước trong người vì tù đọng.  Trầm trọng thêm Pitta, năng lượng lửa đóng vai trò chuyển hoá và tiêu hoá. Trong thời gian này khả năng tiêu hoá sẽ kém đi. Những bệnh tật do tính Pitta gây nên xuất hiện như đầy bụng, khó tiêu, ợ chua do dư axit, da có vấn đề ( nhọt, eczema, phát ban), rụng tóc và những mắc những bệnh lây nhiễm phổ biến trong thời kì này.

Đây là thời gian mà độ ẩm lên cao, dẫn đến sự thiếu hụt Ojas (chất lỏng mang năng lượng sống). Sự sụt giảm lượng Oxy trong máu dẫn đến việc khó khăn trong hít thở và cơ thể yếu dần.

Làm gì để khắc phục tình trạng Nồm ẩm?

Theo Ayurveda, nếu mọi người muốn tìm thấy sự thoải mái trong mùa Nồm thì mình cần lưu ý thay đổi những thói quen sau đây:

  • Về ăn uống:

    • Tránh : Những đồ ăn mang tính Nặng, Nóng, Chua( đồ lên men, Yogurt…), Mặn là những thực phẩm sẽ tăng thêm khả năng giữ nước trong cơ thể, khó tiêu, dư Axit, đầy bụng. Tránh những thực phẩm chiên rán, và thịt. Những sản phẩm đóng hộp. Ăn thực phẩm sống như Salad hay thịt cá sống cũng không nên. Tránh dùng những loại dầu mang tính nặng để nấu nướng như dầu đậu phộng, bơ…

    • Nên : Ăn những thực phẩm mang tính nhẹ, dễ tiêu, nấu chín, những sản phẩm mang tính Satva như bí ngòi, bông cải xanh, bắp, các loại rau lá luộc, các loại củ luộc, nguồn protein từ đậu xanh,đậu gà… Chế biến thực phẩm bằng luộc hoặc xào nhẹ với dầu oliu, dầu hướng dương hoặc ghee ( bơ tinh khiết)

  • Về tập luyện: Những hoạt động mang tính tăng tính Pitta như chạy bộ, đạp xe. Nên chọn những vận động nhẹ nhàng mang tính kéo dãn như yoga, đi bộ nhẹ, bơi lội.

  • Rửa rau cẩn thận bởi những vi khuẩn và trứng của các loại ký sinh trùng được sinh sôi nhiều trong mùa này và bám vào các loại cây ăn lá.

  • Về vấn đề đọng nước ở sàn nhà, tường và xung quanh nhà:

    • Bật điều hoà chế độ khô, đây là cách tuyệt vời để hút ẩm và lưu thông khí, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ

    • Sử dụng máy hút ẩm 

    • Đốt đèn tinh dầu: tránh tình trạng mùi ẩm mốc, tạo mùi thơm dễ chịu giúp mình thoải mái hơn. Những mùi như Lavender, Sả, Chanh… có tính kháng khuẩn và thư giãn

    • Giảm bớt độ ẩm trong phòng ngoài máy lạnh , máy hút ẩm còn có những phương pháp thủ công như: Để 1 ít than củi hoặc vôi sống nơi góc nào có nguy cơ ẩm nhiều sẽ giúp hút ẩm rất hữu hiệu.

Miền trong này Nồm không phải ai cũng biết. Nhưng tiết trời miền Bắc vào mùa xuân khá lãng mạn với những cơn gió lạnh và cơn mưa phùn lất phất. Tuy nhiên, lãng mạn thôi chưa đủ, miền Bắc những ngày xuân còn được tặng kèm theo “combo” nồm ẩm khiến dân tình không khỏi chán ngán.

Nhưng chỉ cần hiểu và cân bằng lại những yếu tố bất lợi, mình sẽ tìm lại được sự thoải mái trong điều kiện không dễ chịu.

Namaste!