HAANDTHA Blog - Yoga & Travel

View Original

CÓ NÊN ĂN TRƯỚC BUỔI TẬP YOGA KHÔNG?

Đó là câu hỏi mình gặp thường ngày từ học viên, là một trong những điều dặn dò của mình trong lớp học cho người mới bắt đầu, là sự chia sẻ của mình đối với những người xung quanh khi tập những bộ môn khác.

Mình còn nhớ, lúc đầu tiên khi đến với Yoga, cô giáo đã rất nghiêm khắc với đám học viên tụi mình về việc phải giữ cái bụng trống khi đến lớp, ngày nào cũng dặn, học hơn 1 năm rồi vẫn không quên việc dặn dò. Từ phía cô giáo là vậy.

Từ phía mình, thời đó đi tập ngay sau giờ đi làm, ra khỏi chỗ làm phát là đói, cứ muốn ăn gì đó rồi đi tập, nhưng cô giáo nghiêm nên thời gian đâu chả dám ăn gì. Tập được thời gian thì bắt đầu lờ đi vài quy tắc, trong đó giữ cái bụng trống. Mình ăn rồi đi tập. Bữa đầu có kết quả ngay, chân tay không muốn di chuyển, đầu óc không tập trung, chưa kể những động tác vặn xoắn gập về trước thì như ai hành, ngay cả động tác yêu thích nhất là em bé cũng không như trước. Sự khó chịu không dữ dội nhưng có hiện hữu khi mình để ý. Vẫn chưa sợ, vì cái nhu cầu muốn ăn nó cao hơn nhưng hệ quả kia, nên bất chấp đến một thời gian khoảng 1 tháng gì đó. Sau 1 tháng mình quan sát không tiến bộ trong tập luyện, hệ quả là lười đến lớp, vì không có cảm giác dễ chịu cộng với việc không tiến bộ. Sau đó mình đã nghiêm túc nhìn lại và đối mặt với nguyên nhân chính, đó chính là ĂN TRƯỚC KHI TẬP, khi quay trở lại với việc giữ cái bụng rỗng, sự yêu thích quay trở lại ngay lập tức.

Mình có kinh nghiệm rất nhiều về việc ăn trước lúc tập, nên sau này mình cũng rất kĩ với học viên của mình về vấn đề này.

Dưới đây là những lí do mình có thể kể ra nhé.

*

Trong Yoga có đề cập tới 5 loại khí, gọi là Pancha Vayu( Pancha là 5, Vayu là khí). Khí bình thường của mình hít vào sẽ chuyển thành 5 loại khí với 5 chức năng khác nhau. Lấy một ví dụ đơn giản, nguồn điện chính vào nhà mình chỉ có một tính chất, mọi nhà đều giống nguồn vào, nhưng khi nguồn điện vào nhà mình sẽ dùng nhiều chức năng - máy giặt, bếp từ, tivi…và 5 loại khí cũng giống như vậy. 

5 loại khí với chức năng cơ bản:

  • Prana: chức năng hô hấp, nuốt, ợ, hắt xì, suy nghĩ.

  • Udana: Chức năng thể hiện suy nghĩ, tư duy thông qua nói.

  • Vyana: Giúp cơ thể di chuyển

  • Samana: Giúp có thể tiêu hoá thức ăn - phân loại, chuyển hoá và di chuyển phần dùng được đến ruột non, phần không dùng được đến ruột già.

  • Apana: Giúp cơ thể đào thải - Tiểu, tiện, sinh em bé, phóng tinh, kỳ kinh nguyệt.

Một cách nói nôm na dễ hiểu khác là năng lượng, năng lượng giúp vận hành những chức năng trong cơ thể.

Tổng khí là không đổi. Nếu chỉ tập trung một chức năng, khu vực nơi đó hoạt động mạnh nhất. Nếu phân tán thành nhiều chức năng, tất cả chức năng đều sẽ hoạt động công suất ít đi. Ví dụ muốn tiêu hoá thức ăn, cần đưa năng lượng về khu vực bao tử để kích hoạt khí Samana. Nếu cùng lúc Samana đang hoạt động mà kích hoạt cả khí Vyana ( di chuyển chân tay, hay vận động chân tay mạnh và nhiều) hay kích hoạt khí Udana hay Prana ( suy nghĩ, nói chuyện ) nhiều… đều ảnh hưởng đến công suất hoạt động của Samana.

Bên cạnh đó, có một khái niệm mọi người cần biết đến là Ama. Ama là độc tố, sản phẩm của quá trình tiêu hoá bị gián đoạn hoặc bị dừng lại vì nhiều lý do, trong đó việc Samana không đủ cũng là một nguyên nhân dẫn đến thức ăn không tiêu hóa kịp thời hoặc không đủ, gây ra quá trình lên men trong bao tử, sản sinh ra Ama. Ama tích tụ lâu ngày sẽ gây ra những thể hiện khác nhau, làm cơ thể mất cân bằng hay bệnh tật chính là hệ quả của Ama.

Nên, đó là lí do vì sao khi ăn xong, mình cần thời gian nghỉ ngơi ( nhưng không được ngủ), không vận động chân tay hay đầu óc gì quá nhiều, để cho Samana hoạt động tiêu hoá thức ăn, nhất là trong 15-30 phút đầu tiên. 

Nếu thực sự quan sát cơ thể trong lúc ăn và sau lúc ăn, mọi người có thể hiểu được nguyên lý trên rõ ràng, không phải là điều mơ hồ. Bao tử sẽ hoạt động co bóp và phân loại thức ăn mạnh mẽ khi mình chú tâm vào nó, quá trình tiêu hoá sẽ diễn ra nhanh hơn, việc đầy bụng không diễn ra trừ khi thức ăn có vấn đề ( nhiều chất, khó tiêu hoá, thức ăn có chứa độc tố).

Trong Yoga, ngoài những tư thế đứng còn có những tư thế ngã sau, gập về trước. Nếu có thức ăn trong bao tử, những tư thế này sẽ diễn ra trong khó chịu vì bao tử bị ép đồng nghĩa thức ăn sẽ bị dồn lên trên, nhiều hay ít tuỳ theo khối lượng thức ăn có trong bao tử.

Với những lí do trên, trong Yoga được khuyến cáo là nên giữ bụng không có thức ăn trước khi tập. Nguyên tắc như sau:

  • Với bữa ăn nhẹ như: cháo, sữa, bánh, trái cây. Cần chờ 1,5-2 tiếng 

  • Với bữa ăn nhiều chất và khối lượng là bữa chính. Cần chờ 2-3 tiếng.

Nếu người tập đảm bảo được điều này, buổi tập sẽ diễn ra dễ dàng và bản thân sẽ cảm nhận Yoga sâu hơn.

Hy vọng với những chia sẻ của mình, mọi người có thể hình dung hơn về việc khí đi vào cơ thể sẽ di chuyển và làm những chức năng gì. Qua đó hiểu hơn về tầm quan trọng trong việc giữ cho cái bao tử nhẹ nhàng trước khi bước vào lớp tập.

Chúc mọi người luôn có một buổi tập Yoga trọn vẹn nhất.

Namaste!